Bài tập 1
Đặt tay lên hông, ngón tay chỉ về giữa bụng. Tập trung hít sâu để khí lấp đầy bụng từ dưới lên trên. ( Mục đích của bài tập này không phải là hít thật nhiều khí mà là hít một lượng khí đủ để bạn cảm thấy sự khác biệt với một hơi thở nông khi bạn chỉ hít vào trong lồng ngực). Bạn sẽ cảm thấy bụng phình lên những ngón tay của bạn sẽ bị đẩy lên và hướng ra ngoài cho tới khi ngực nở ra. Không chỉ có phần trước cơ thể mà cả hai bên hông cùng với phía sau lưng cũng sẽ có cảm giác nở ra. Đếm thầm từ 1-5 và thở đều ra.Lặp lại bài tập này 10 lần.
Tập luyện hàng ngày trước khi bạn thức dậy vào buổi sáng và trước khi đi ngủ trong khoảng 5-10 phút. Sau đó dần tăng lên 3-4 lần trong ngày.
Khi bạn đã làm đúng, hãy cố gắng tập bất cứ khi nào có thể. Khi đứng, khi ngồi ngay khi đang làm việc, cho tới khi bạn có thể thở tự nhiên từ bụng của mình.
Bài tập 2
Bắt đầu bằng cách hít một hơi thật sâu, lấp đầy phổi và xuống tới tận bụng. Sau đó thở ra rất chậm và liên tục. Tưởng tượng là bạn đang thở ra qua một chiếc ống rất nhỏ, và không khí di chuyển ra ít tới mức bạn cảm giác như mình đang không thở vậy. Bạn có thể đặt một cây nến phía trước mình rồi thở ra thật chậm để ngọn lửa không bị tạt đi. Chú ý khi hít vào bụng phải phình ra và lúc thở ra bụng xẹp lại.Tập luyện như vậy 10 lần.
Bây giờ tập thêm 5 lần nữa. Nhưng trong 5 lần tập tiếp theo này, chọn một nốt dễ hát và kéo dài nó suốt quãng hơi. Không được để nốt đó thay đổi cao độ hay là âm lượng. Giống như việc bạn bấm giữ một phím trên đàn óc-gan, cao độ không hề thay đổi. Hãy chắc chắn mỗi nốt đều ở một cao độ thoải mái đối với bạn, trong khoảng cao độ mà bạn hay nói hàng ngày. Những nốt thấp sẽ tốt hơn vì chúng giúp cho cổ họng của bạn được thư giãn. Mỗi hơi hãy hát một nốt khác nhau. Đừng cố gắng sử dụng những nốt cao, chúng sẽ làm căng thanh quản quá mức.
Bây giờ hãy tập thêm 5 lần như vậy, từ từ thay đổi âm lượng (to, nhỏ) của mỗi nốt từ không nghe thấy gì cho tới vừa và rồi trở lại không nghe thấy gì trong suốt quá trình bạn thở. Luôn nhớ rằng mỗi lần thở ra bạn sẽ chọn một nốt khác nhau, và không bao giờ được để nốt bị bẹt hay chói. Trong trường hợp của 5 lần thở cuối này, thứ duy nhất thay đổi là âm lượng của mỗi nốt, và bạn nên thay đổi nó ở một nhịp độ rất nhỏ tới mức khó nhận biết.
Với 5 lần thở cuối này (tổng cộng là 25 lần thở) hãy làm mọi thứ như bạn đã làm với 5 lần thở trước, nhưng thay đổi âm sắc của giọng và giữ nguyên âm lượng (to nhỏ). Bạn có thể thực hiện bằng cách lướt nhanh qua những nguyên âm a, e, i, o, u. Bạn có thể thay đổi lên hoặc xuống theo ý mình. (Nghe sẽ giống như bạn đang đọc những câu thần chú của tiếng Tây Tạng vậy, vậy nên nếu có ai hỏi cứ bảo bạn đã theo đạo Phật và đang cố gắng thanh lọc tâm hồn mình)
Có thể bạn sẽ tự hỏi tại sao những bài tập này lại có thể có tác dụng ngay tức khắc với bạn được. Câu trả lời rất đơn giản. Khi tập trung giữ cho cao độ không thay đổi, bạn đang tập trung vào những gì cơ thể cần để bạn hát đúng cao độ. Và cao độ chính là điều mà bất cứ ca sĩ nào cũng để ý đầu tiên. Một lợi ích nữa của bài tập này là nó cung cấp thêm ô xi lên não của bạn. Nhờ đó bạn sẽ có thể suy nghĩ tốt hơn và tập trung hơn vào việc đang làm đó là hát.
Khi bạn đang hát, hãy nhớ là cố gắng giữ cho bụng của mình căng lên (tưởng tượng là bạn đang cố nâng một chiếc piano rất nặng), và thả lỏng cổ họng (giống như khi ngáp), tạo không gian cho lượng lớn không khí. Nếu bạn cần lên những nốt cao hơn, bạn sẽ đạt được bằng cách thêm không khí chứ không phải bằng cách co cứng cơ cổ của mình (một lỗi rất phổ biến của những ca sĩ nghiệp dư). Kiểm tra điều này bằng cách tưởng tượng bạn thấy một người bạn bên đường và muốn gọi anh ta. Bạn sẽ gọi to “Này!” một cách rất thoải mái và sử dụng rất nhiều không khí. Đó là cách để đạt cao độ của những nốt cao. Thoải mái cổ họng, và dùng bụng để đẩy khí ra.