CẬP NHẬT

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Cách thẩm định âm nhạc (phần 2/5)

Khó khăn lớn nhất của nghe thẩm định là tìm ra ngôn từ phù hợp để mô tả những cảm nhận và trải nghiệm trong quá trình nghe. Dùng từ ngữ mô tả những phẩm chất âm thanh không chỉ cần thiết trong việc truyền đạt lại những gì nghe được cho người khác mà còn giúp người chơi tự ghi nhận và thấu hiểu với những trải nghiệm của bản thân. Bài viết này sẽ giới thiệu một vài "từ ngữ chuyên ngành" dùng để mô tả phẩm chất âm thanh của thiết bị âm thanh.


Trước khi mô tả từng khái niệm cụ thể, chúng tôi muốn độc giả nắm được hệ thống thuật ngữ dùng để mô tả dải tần âm thanh. Dải tần số âm thanh mà tai người nghe thấy trải dài trên 10 quãng tám bắt đầu từ 16Hz đến 20kHz, có thể chia thành 3 vùng cụ thể dưới đây.

SỰ CÂN BẰNG VỀ GIỌNG

Khía cạnh đầu tiên trong màn trình diễn âm nhạc của mỗi thiết bị mà người nghe cầu lưu tâm là sự cân bằng về chất giọng, sự hài hòa cân bằng giữa âm trầm, trung hay tép của thiết bị đạt đến mức nào. Nếu âm thanh có xu hướng nhiều tép, có thể gọi là thiết bị thiên sáng. Nếu âm trầm lấn át các dải khác, thiết bị đó được coi như có chất tiếng nặng. Ngược lại, nếu có quá ít âm trầm, có thể coi thiết bị đó mỏng tiếng, nhẹ trầm hoặc thiên cao. Sự cân bằng về giọng của thiết bị âm thanh đặc biệt có ý nghĩa, thường ảnh hưởng lớn đến âm điệu của nó.

ÂM HÌNH

Thuật ngữ âm hình mô tả khoảng cách hiện hữu giữa người nghe và âm nhạc. Âm hình chủ yếu thể hiện khoảng cách giữa người trình diễn với microphone. Tuy nhiên, nó cũng chịu ảnh hưởng của các thiết bị tái tạo trong hệ thống. Một số thiết bị khiến màn trình diễn như được đẩy lên phía trước, hướng đến người nghe. Trong khi đó, một số thiết bị khác lại có xu hướng kéo lùi sân khấu lại phía sau. Thiết bị có âm hình tiến thể hiện âm nhạc ở phía trước cặp loa, sản phẩm có âm hình lùi thể hiện âm nhạc hơi lùi về phía sau loa.

Một số thuật ngữ khác cũng được sử dụng để mô tả âm hình. Ví như từ khô (dry) thường dùng để mô tả âm thanh thiếu độ vang và không gian, nhưng cũng có thể hiểu được nếu ám chỉ âm hình hơi tiến. Một số cụm từ khác có thể dùng để mô tả âm hình tiến như: trực tiếp (immediate), sắc tiếng (incisive), tấn công (aggressive), chói lọi (vivid)… Những thuật ngữ đi kèm với âm hình lùi thường được dùng như: dịu (easygoing), nhẹ nhàng (gentle)…

TIẾNG TÉP

Tiếng tép hay là yếu tố không thể thiếu trong hệ thống tái tạo âm nhạc chất lượng cao. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều sản phẩm âm thanh xuất sắc lại không thể thỏa mãn yêu cầu về nhạc tính bởi sự yếu kém trong phần trình diễn tiếng tép.

Những đặc tính của tiếng tép mà người chơi âm thanh muốn tránh được thể hiện qua những thuật ngữ như: sáng (tươi), rối, tiến, tấn công, cứng giòn, sắc, khô, nhợt, chuột, chói, đanh, rít, sạn

Thiết bị âm thanh có tiếng tép với những đặc điểm trên thường khiến người nghe cảm thấy không thoải mái trong quá trình nghe nhạc. Khi đó, người nghe có cảm giác như tiếng tép không hòa nhập với màn hòa âm tổng thể của bản nhạc, mà tách rời “một mình một điệu”. Trong trường hợp này, người nghe sẽ nhận biết tiếng tép như một thực thể riêng biệt mà không còn là yếu tố cấu thành nên âm nhạc. Một số nguyên nhân chính gây ra vấn đề trên như: chất lượng của loa tweeter (loa tép) trong cặp loa, phòng nghe bị dội âm (cao) quá nhiều, các thiết bị nguồn âm số(thường là đầu đọc CD), pre-ampli, ampli công suất, dây dẫn và nguồn điện bẩn, nhiễu.

Nhũng thuật ngữ được liệt kê sau đây thường dùng để mô tả tiếng tép hay như: mượt, ngọt, êm, mịn, nhẹ, dịu… Khi tiếng tép trở nên quá mượt, người ta thường sử dụng từ ướt át hay ủy mị để chỉ âm thanh của thiết bị. Có thể hiểu, những thuật ngữ như “mượt, ngọt và mịn” được sử dụng như sự khen tặng. Ngược lại, “ướt át, ủy mị” cho ta thấy tiếng tép đã vượt quá giới hạn cân bằng và thiết bị đã trở nên sai âm.

Những thiết bị có chất tiếng nhạt, đơn điệu, chậm, dày, hẹp và thiếu chi tiết thường có tiếng tép vượt quá mức mượt mà cần thiết. Một số thiết bị khác lại khiến màn trình diễn âm nhạc thiếu sức sống, không gian, độ mở, sự dàn trải nếu tiếng tép quá mềm. khi đó, âm nhạc chỉ được tái tạo trong phạm vi hẹp, thiếu độ mở và độ lớn.

Không gian của quãng tám cao nhất thể hiện sự (gần như) không có giới hạn trong độ mở của tiếng tép, khiến người nghe như thấy được lớp không khí bao xung quanh mỗi âm thanh nghe thấy từ nhạc cụ và giọng hát. Những hệ thống không tái tạo được quãng tám cao nhất thường không thể hiện được độ chi tiết của không gian âm nhạc.

Tiếng tép hay nhất giống với âm nhạc thực nhất. Để đạt tới điều này, tiếng tép phải giàu năng lượng. Vì như tiếng chiêng thật nghe rất mãnh mẽ mà không sạn hay bị khô. Âm thanh tái tạo chỉ được gọi là thành công khi loại bỏ những âm thanh mà trong nhạc sống không có. Hơn thế, tiếng tép phải là yếu tố cấu thành và hài hòa với tổng thể âm nhạc chứ không phải là thứ tiếng ồn ở dải tần cao khiến người nghe khó chịu.
Cách thẩm định âm nhạc phần 1/5
Cách thẩm định âm nhạc phần 3/5
Cách thẩm định âm nhạc phần 4/5
Cách thẩm định âm nhạc phần 5/5
Hãy viết cảm nhận của bạn về bài viết này nhé


0 nhận xét "Cách thẩm định âm nhạc (phần 2/5)"


 
Trở lên trên