CẬP NHẬT

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Cách thẩm định âm nhạc (phần 5/5)

Qua 4 kỳ, tôi đã giới thiệu đến độc giả những thuật ngữ phổ biến liên quan đến âm thanh của bộ dàn như: âm trầm, trung, tép…Tuy nhiên, với dân chơi âm thanh lâu năm, chừng đó chưa đủ. Trong số này, chúng tội tiếp tục giới thiệu đến độc giả thuật ngữ mô tả đặc điểm âm thanh của hệ thống một cách sâu sắc, cụ thể hơn, đó là âm hình.


Để có được hệ thống có âm hình chuẩn, người nghe không nhất thiết phải bỏ cả gia tài để đầu tư vào hệ thống âm thanh mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng phối ghép, bố trí thiết bị của người chơi.

Âm hình là thuật ngữ mô tả kích thước hiện hữu của không gian âm nhạc trước hệ thống âm thanh chất lượng tốt, người nghe có thể hình dung được nhạc cụ, ca sĩ phía trước xuất hiện trong không gian biểu diễn như của dàn nhạc trong phòng nghe. Khái niệm âm hình bao trùm thuật ngữ không gian, để chỉ cách nhạc cụ hiện diện trong không gian ba chiều của bản nhạc khi được tái tạo.

Trong các thành phần tái tạo âm thanh – âm nhạc, âm hình góp phần quan trọng mang lại cảm giác kỳ diệu và sống động với hệ thống stereo. Nhưng trên thực tế, cảm giác kỳ diệu ấy lại do những yếu tố khá đơn giản tạo nên: cặp loa trong hệ thống được đánh giá bởi hai dòng tín hiệu biến đổi về điện áp theo mỗi thời điểm trong không gian hai chiều. Chỉ với hai đại lượng biến thiên trên cũng có thể vẽ nên không gian âm thanh ba chiều có hình khối và kích thước rõ ràng. Với hệ thống âm thanh có âm hình tốt, người nghe sẽ không cảm thấy mình đang nghe âm thanh được xếp hàng ngang, phẳng và hẹp về chiều sâu. Thay vào đó, người ta có thể cảm nhận rõ ràng vị trí của nhạc công violin số một  phía bên trái gần vị trí nghe hơn. Âm thanh của bộ đồng xuất hiện phía sau dàn contra-bass phía bên phải. Tiếng lục lạc kêu lanh lảnh phía xa (nơi xa nhất trong dàn nhạc). Bản nhạc được cấu thành bởi các âm thanh tách biệt, hiện hữu trong không gian. Hơn nữa, người nghe còn được nghe âm hưởng của cây oboe phát ra từ vị trí của người chơi oboe, âm hưởng của violin phát ra từ vị trí của người chơi violin, những âm dội từ khan phòng bao quanh các nhạc cụ… Những giới hạn về không gian của phòng nghe dưồng như biến mất và thay thế bởi một phòng hòa nhạc mênh mông. Tất cả chỉ với hai đại lượng điện áp.

Âm hình được tạo nên trong não của người nghe nhờ độ biến thiên được mã hóa trên hai kênh âm thanh. Khi người nghe cảm nhận được vị trí phát âm của các nhạc cụ nằm phía sau sân khấu là lúc đôi tai hay bộ não đã tổng hợp được những thông tin trong quá trình xử lý những điểm khác biệt giữa hai dòng tín hiệu được truyền đến tai.

Các thiết bị audio thường có sự khác biệt rất lớn trong khả năng tái tạo đặc tính này của âm nhạc. Một số sản phẩm thường ép cho âm hình như dãn ra về hai bên và rút ngắn chiều sâu của nó. Một số khác lại có thể tái tạo đầy đủ và chính xác âm hình tương tự như không gian biểu diễn thật. Âm hình là yếu tố cốt lõi trong việc tái tạo âm nhạc thỏa mãn người nghe. Tuy nhiên, những thiết bị âm thanh chất lượng không tốt thường làm hỏn âm hình của hệ thống.

Một số thuật ngữ mô tả âm hình tồi như hẹp hoặc bó, âm nhạc như bị nén lại giữa hai loa mà chưa có khả năng phát triển và “bọc” lấy người nghe. Âm hình thiếu chiều sâu bị gọi là phẳng hoặc mỏng tiếng. Lý tưởng nhất là độ mở của âm hình nên nhỉnh hơn chiều sâu của nó. Song, âm hình bị bó lại phía sau cũng làm suy giảm không gian trình diễn của bản nhạc.

Ảo giác về chiều sâu của âm hình được tăng thêm bởi sự tái tạo những âm thanh cộng hưởng của nhạc cụ trong không gian biểu diễn thực. Quả thực, sự dội âm giảm dần sau kh đạt cao trào trước những khoảng lặng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành không gian âm nhạc. Tín hiệu lớn cũng giống như ánh đèn flash trong phòng tối. Ở khoảnh khắc đó, không gian âm nhạc được định vị rõ ràng, cho phép người nghe “nhìn” thấy các chiều kích thước và đặc tính của âm hình.

Để tạo nên ấn tượng về sự hiện hữu có thực của các lọai nhạc cụ trong không gian âm nhạc mà hệ thống trình diễn, bản thân âm cộng hưởng trong không gian biểu diễn thực cũng phải tách biệt so với không gian định vị của các nhạc cụ. Những thiết bị audio tầm tầm khó có khả năng tái tạo kiểu hồi âm trong không gian như vậy. Hiển nhiên, chứng kiến cho chiều sâu của sân khấu ngắn lại, khiến âm dội trùng vào âm hình của từng nhạc cụ, gây cảm giác lộn xộn cho người nghe.

Những thuật ngữ được dùng để mô tả âm hình tốt như: tập trung, chặt chẽ, rõ ràng. Những đặc tính của hình ảnh cũng được mô tả như: hình ảnh chặt chẽ, tập trung, định vị rõ ràng. Một âm hình tồi thường đi kèm những thuật ngữ: lẫn, thiếu mạch lạc, lộn xộn, nén, thiếu tập trung…

Một yếu tố quan trọng khác thường được đề cập mỗi khi nhắc đến âm hình, đó là lớp lang. Thuật ngữ này để chỉ khả năng phân tách vị trí xuất hiện trước sau của từng nhạc cụ trong không gian âm thanh tổng thể. Càng xuất hiện nhiều lớp lang trong âm hình, hệ thống càng được đánh giá cao.

Để đánh giá âm hình của hệ thống, người nghe cần có những bản ghi chất lượng cao, tốt nhất là các bản thử máy có mục dành cho âm hình như CD thử máy của các hãng thu âm danh tiếng trên thế giới. Trên thực tế, để phối ghép nên hệ thống có âm hình chuẩn không hề đơn giản, nó vừa phụ thuộc vào khả năng trình diễn của từng thiết bị, vừa phụ thuộc vào sự tương thích lẫn nhau giữa các thiết bị, vào phòng nghe và cách kê đặt loa, lựa chọn vị trí ngồi nghe. Tuy nhiên, các yếu tố trên không buộc người nghe phải bỏ cả gia tài để đầu tư vào hệ thống âm thanh mới có được âm hình chuẩn mà phụ thuộc vào kinh nghiệm và khả năng phối ghép, bố trí thiết bị của người chơi.
Cách thẩm định âm nhạc phần 1/5
Cách thẩm định âm nhạc phần 2/5
Cách thẩm định âm nhạc phần 3/5
Cách thẩm định âm nhạc phần 4/5
Hãy viết cảm nhận của bạn về bài viết này nhé


0 nhận xét "Cách thẩm định âm nhạc (phần 5/5)"


 
Trở lên trên