CẬP NHẬT

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Điều cần lưu ý nếu muốn sửa giọng

Không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng của âm thanh, đó là âm sắc. Trong thực tế không có hai giọng hát hoàn toàn giống nhau, sự khác biệt ở đây chính là âm sắc.

Mỗi giọng hát có một âm sắc đặc biệt, qua âm sắc ta nhận ra được giọng hát quen biết. Không phải sức mạnh của âm thanh hay âm vực là giá trị bậc nhất của giọng hát, mà giá trị này dành cho âm sắc. Một giọng hát không khỏe lắm nhưng âm sắc đẹp sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với một giọng hát khỏe nhưng âm sắc không đẹp.



Âm sắc là điều kiện tự nhiên cơ bản nhất của giọng hát. Muốn học hát phải có cả giọng, mà ở đây trước hết là âm sắc đẹp. Bởi vậy, trong khi học tập và biểu diễn cần phải gìn giữ và phát triển cho giọng hát ngày càng đẹp và phong phú về âm sắc. Nếu thấy có những hiện tượng sai lệch về kỹ thuật, ảnh hưởng xấu tới âm sắc, phải kịp thời sửa chữa ngay.

Một số người do chưa được học tập đầy đủ, hoặc học không đúng phương pháp, đã mắc phải một số những sai lệch về âm sắc, như tập hát giọng cổ, giọng mũi, và một số những sai lệch khác về kỹ thuật. Muốn sửa được những sai lệch này, điều trước tiên là người hát phải tự nhận biết được những sai lệch mà mình mắc phải, sau đó tìm nguyên nhân gây ra những sai lệch đó và có biện pháp sửa chữa cho phù hợp.

Sửa chữa những sai lệch về âm sắc của giọng mũi

Giọng mũi là một sai lệch mà các giọng hát cao dễ mắc phải. Nguyên nhân là do chưa hiểu và thực hiện chưa tốt yêu cầu về vị trí cao của âm thanh và giọng mũi. Sai lệch này do sự hoạt động không đúng của các bộ phận sau đây: hàm ếch mềm khi hát hạ quá thấp, không nhấc lên để mở lối cho âm thanh âm vang ở mồm, mà hát với hơi thở quá nông, không nén hơi. Âm sắc của giọng mũi xỉn, nghẹt tiếng và yếu. Người mắc tật hát giọng mũi sẽ gặp khó khăn khi hát những nố cao. Nếu cố gắng để hát nốt cao thì nhiều âm thanh lại bị giọng cổ.

Muốn sửa chữa những sai lệch này ta phải sửa những hoạt động không đúng của hàm ếch mềm và hơi thở. Khi tập luyện thanh, nên dùng những nguyên âm mở tiếng như a, ô kết hợp với những phụ âm d, đ, r để bật âm thanh ra ngoài mồm.

Sửa chữa những sai lệch về âm sắc của giọng cổ

Giọng cổ là một sai lệch khá phổ biến. Âm sắc giọng cổ không trong sáng, không êm ái mà gằn tiếng, nặng nề, âm thanh không “bay”. Người ca sĩ hát đúng, âm thanh phát ra sẽ thoải mái, không căng cứng. Còn người mắc tật hát giọng cổ, khi nghe âm thanh của họ ta  thấy có sự chà sát, gằn tiếng, căng thẳng ở trong cổ họng. Ở các giọng nam, tật hát giọng cổ thường do hát âm thanh cổ ở âm khu cao của giọng, hoặc hát âm thanh đóng sâu quá. Ở các giọng nữ, sai lệch hát giọng cổ thường xảy ra khi hát âm khu ngực, đôi khi do hát giọng ngực lên cao quá. Cả giọng nam và nữ, nếu mắc tật hát giọng cổ khi hát những nốt cao ta nghe âm thanh như tiếng gào, chứ không phải tiếng hát. Tóm lại, sai lệch về giọng hát cổ do mấy nguyên nhân sau đây:

- Do hát âm thanh mở với hơi thở quá nông, không nén. Muốn khắc phục sai lệch này phải tập hát với hơi thở sâu hơn, nén và đẩy hơi đều đặn, liên tục, làm dịu bớt mức căng thẳng của thanh đới để cho thanh đới rung lên được linh hoạt.

- Do hát âm thanh đóng không đúng. Trường hợp này phải tập lại cả cách hát âm thanh mở, tức là những nốt thấp và trung bình của giọng, rồi trên cơ sở những âm thanh mở đúng, mới tập hát những âm thanh đóng ở khu âm cao.

- Do bộ phận truyền âm làm việc không đúng, chủ yếu là hoạt động của mồm, thường là do hàm dưới cứng quá, lưỡi cứng, hàm ếch mềm không nhấc lên được. Cách sửa chữa ở trường hợp này là khắc phục những hoạt động không đúng của mồm, cụ thể là tập cho hàm dưới mềm mại, lưỡi hoạt động linh hoạt và hàm ếch mềm nhấc lên mềm mại ở mức độ cần thiết.

- Do hát to quá sức. Như đã phân tích, giá trị chủ yếu của âm thanh là âm sắc và độ vang (cộng minh) của nó, chứ không phải to hay nhỏ. Người ca sĩ có kinh nghiệm là người biết vận dụng sức lực một cách một cách tối thiểu mà hiệu quả tiếng hát đạt mức tối đa. Không bao giờ nên hát hết sức hoặc hát quá sức, có như vậy giọng hát cũng như cơ thể mới được thoải mái, xử lý được mọi yêu cầu về kỹ thuật, biểu hiện được tình cảm một cách chủ động và linh hoạt. Khi sửa tật hát giọng cổ do quen hát quá to gây ra, không nên ngay tức khắc tập hát nhỏ, vì làm như vậy có thể dẫn đến sai lệch là hát không nén hơi thở (còn gọi là hơi thở không có điểm tựa). ta phải tập cho giọng hát cũng như cơ thể quen dần với trạng thái mềm mại. Một biện pháp có hiệu quả tốt là chọn những bài hát có giai điệu êm dịu, hoặc những bài hát có tốc độ hơi nhanh, đòi hỏi âm thanh nhẹ nhàng, trong sáng, linh hoạt. Nếu người ca sĩ có nhạc cảm tốt thì với những bài hát loại đó sẽ tìm ra được lối hát phù hợp. khi tập những bài luyện mẫu âm, không nên chọn những bài có tốc độ chậm, vì những bài có tốc độ chậm dễ có điều kiện để hát gằn cổ, còn tốc độ nhanh dễ tránh được sai lệch đó. Tập những bài có tốc độ nhanh, tức là những nốt nhạc có trường độ ngắn, đòi hỏi âm thanh linh hoạt, sẽ giải phóng được phần nào sự căng thẳng không cần thiết của giọng hát.

Luyện tập để khắc phục sai lệch hát giọng cổ là một công việc phức tạp, phải kiên trì. Điều chủ yếu, như đã nói ở trên, là bản thân người hát phải tự thấy sai lệch mà mình mắc phải, như vậy mọi cố gắng và các biện pháp khắc phục mới có kết quả.

Sửa chữa những sai lệch về hát không chuẩn xác cao độ

Yêu cầu của âm nhạc nói chung và của ca hát nói riêng, trước hết là sự chuẩn xác về cao độ của âm thanh. Nghe một người hát mà âm thanh không chuẩn xác, ta cảm thấy khó chịu, mọi biểu hiện đều vì thế mà mất tác dụng không còn sự hấp dẫn nữa. Sự chuẩn xác của các âm thanh. Nghe một người hát mà cao độ âm thanh không chuẩn xác, ta cảm thấy khó chịu, mọi biểu hiện đều vì thế mà mất tác dụng không còn có sự hấp dẫn nữa. Sự chuẩn xác của các âm thanh có ý nghĩa quan trọng như vậy, nhưng một số người ca hát không chuyên và các có ca sĩ chuyên nghiệp vẫn mắc tật không hát chuẩn xác cao độ, mà thường gọi là hát “phô” (faux). Có người khi hát, cũng biết là mình hát không chuẩn xác nhưng không điều chỉnh được (thường gọi đùa là “không tìm ra số nhà”), có người thì lại không biết tiếng hát của mình là bị “phô”. Người thì hát chênh lên, người thì âm thanh tụt thấp xuống. Có người, trong một bài hát, chỗ thì hát chênh lên, chỗ thì hát thấp xuống. Có người lại chỉ hát chênh lên ở những nốt cao hay những nốt chuyển giọng…Hát không chuẩn xác cao độ do mấy nguyên nhân sau đây:

- Tai nghe không thính, cảm giác về âm thanh không nhạy bén. Khi hát không bắt được giọng điệu chính của bài hát. Người hát chưa quen hát với một nhạc cụ đệm theo hoặc với dàn nhạc.. Không bình tĩnh trước người nghe cũng dễ làm mất khả năng chủ động điều khiến giọng hát, dẫn tới tình trạng hát không chuẩn xác về cao độ. Có trường hợp, trong một bài hát có môt chỗ khó mà ca sĩ chưa giải quyết được, nên khi hát tới đó, như một phản xạ, bắt đầu hát không chuẩn xác. Những trường hợp trên thường xảy ra ở những người mới học hát, còn chưa có kinh nghiệm, chưa tiếp xúc nhiều với âm nhạc. Đối với những trường hợp này, việc sửa chữa không khó khăn lắm.

- Có khi hát không chuẩn xác về cao độ do những thiếu sót về kỹ thuật. Người hát vẫn nghe được phần dạo nhạc, vẫn bắt vào đúng giọng điệu của bài hát, nhưng càng hát thì tiếng hát càng mất chuẩn xác. Khi đó, nếu người hướng dẫn hoặc người chỉ huy có nhắc, hoặc ra hiệu cho người hát biết, cũng không điều chỉnh cho tiếng hát chuẩn xác lại được. Ở đây không giống như người nhạc công kéo loại đàn không phím, nếu như thấy âm thanh không chuẩn xác có thể điều chỉnh các ngón tay nhích lên hoặc thấp xuống trên dây đàn. Nhưng đối với dây đàn của “nhạc khí sống” này thì vấn đề lại phức tạp hơn, vì trước tiên nó phụ thuộc vào tâm lý, mà tâm lý lại do thần kinh chi phối.

Những thiếu sót về kỹ thuật gây nên sự không chuẩn xác về cao độ là: hơi thở yếu, không nén hoặc tống hơi quá mạnh, ồ ạt. ở các giọng nữ, sự sai lệch còn nảy sinh ra do hát nốt chuyển giọng không tốt, hoặc hát giọng ngực (bản thanh) lên cao quá. Một số người thích hát to cũng hát tật này.

Muốn hát chuẩn xác về cao độ cần rèn luyện để có những điều kiện sau đây:

  •  Chủ động vững vàng khi hát.
  •  Nếu hát không chuẩn xác cao độ do thiếu sót về kỹ thuật phát âm, thì phải kiên quyết tập lại để khắc phục những tật xấu từ trước, sao cho mọi hoạt động của cơ quan phát âm được đúng và phù hợp với nhau.
  •  Hoạt động của cơ quan phát âm chủ yếu là thanh đới và hơi thở, phải đúng, phải phù hợp.
  •  Tập xướng âm thường xuyên, lúc đầu tập một vài câu rồi kiểm tra giọng, điệu bằng đàn, sau đó hát hết bài mới kiểm tra lại. Tập bài hát cũng vậy, không dùng đàn đệm theo. Phải chủ động tập thuộc nhạc bài hát, không nên đọc truyền khẩu, luôn luôn kiểm tra theo nốt nhạc trong bài hát.
  •  Tai nghe thính, cảm giác âm nhạc nhạy bén.
  •  Khắc phục tập hát không chuẩn xác về cao độ bằng mấy cách: nếu hát không chuẩn xác cao độ do tai nghe nhạc không tốt, cần tập nghe các hợp âm trên đàn piano, accordeon hoặc guitare.

Sửa chữa tật hát không chuẩn xác cao độ là công việc tương đối khó, cần phải kiên trì và nghiêm khắc với bản thân, không nên nôn nóng hoặc đại khái cho qua. Trong một thời gian ngắn không thể sửa ngày được, mà phải dần mới mang lại kết quả vững chắc.
Hãy viết cảm nhận của bạn về bài viết này nhé


0 nhận xét "Điều cần lưu ý nếu muốn sửa giọng"


 
Trở lên trên