Edison phát minh ra chiếc máy hát phonograph như một thiết bị đi trước thời đại. Nó sở hữu âm thanh mono vì kim quét trên vành đĩa theo một chiều thẳng đứng, hoạt động dựa trên phương pháp mã hóa sóng âm analog đầu vào để tạo ra các sóng hình sine mà chúng ta thường thấy khi tìm hiểu về amplifier (còn được gọi là Hill-and-Dale Recording hay phương pháp Vertical Modulation). Nếu các kỹ sư âm thanh chỉ dừng lại ở phương pháp âm học này, thế giới âm thanh tới giờ vẫn còn rất hoang sơ và đơn giản.
Không lâu sau đó, Emile Berliner phát minh ra phương pháp Horizontal Modulation tận dụng được dao động bề ngang của vành đĩa LP. Các kỹ sư âm thanh lại tiếp tục nghiên cứu và kết hợp Vertical và Horizontal Modulation để tạo phương pháp để cho kim quét ở góc 45 độ của rãnh đĩa, từ đó cho phép lưu trữ cùng lúc 2 tín hiệu khác nhau. Và thế là các bản thu âm stereo được ra đời với 2 kênh riêng biệt. Bản thu LP stereo thực sự đã mang lại một sự thay đổi lớn cho ngành âm thanh, mở ra một chân trời mới. Âm thanh được truyền tải từ 2 kênh cung cấp chất âm hay hơn nhiều lần so với 1 kênh như ban đầu. Âm thanh stereo cũng tạo nên một thứ gọi là âm hình, một ảo ảnh giúp người nghe nhận biết được vị trí của tiếng nhạc cụ, tiếng ca sỹ... từ đó làm tăng thêm cảm giác khi tận hưởng âm nhạc. Có thể nói đây là một phát kiến vĩ đại nhất trong lịch sử âm thanh.
Một điểm nữa giúp cho âm thanh stereo còn mãi cho đến ngày nay chính là sự ra đời của cụm từ “vị trí âm học”, “âm trường”, “âm hình”, nhiều cái “âm” mà mỗi người gọi mỗi kiểu nên khó kể cho kỳ hết. Những khái niệm về không gian của âm thanh stereo đa dạng và đòi hỏi nhiều kỹ thuật nghe, tốn calo di chuyển, bưng bê để tận hưởng được tất cả những gì mà stereo mang lại. Ta cần chú ý đến vị trí thiết lập loa trong phòng nghe, kéo theo các lưu ý nhỏ như vị trí ngồi nghe sao cho âm thanh tốt nhất ( hay còn gọi là điểm ngọt ), tiêu âm – tán âm, hay cả tư thế cơ thể khi nghe... Mà khổ một cái, không phải ai cũng có các máy đo đạc chính xác các đặc điểm của âm thanh thế nên thế giới của các audiophiles được khuấy động, sôi nổi bởi những chia sẽ về kinh nghiệm bố trí, kỹ thuật sắp đặt, dù đúng dù sai, dù người mới chơi hay người có thâm niên nghe lão luyện cũng góp phần, tô vẽ rất nhiều màu sắc hơn cho thú vui này. Như vậy ta thấy là stereo đã bỏ mono một quãng đường cực xa.
Nếu giải thích chuyên sâu một chút, stereo bao hàm rộng hơn rất nhiều so với chỉ 2 chiếc loa và nó không phải là âm thanh 2.0. Nó là một tập hợp của những âm thanh mang tính chất âm học riêng và xuất phát từ nhiều nguồn, tạo ra một không gian âm thanh tổng hợp mang tên “âm trường”. Để có được âm trường, người nghe phải có vị trí nghe tương ứng với vị trí loa. Thông số lý thuyết tối ưu cho vị trí nghe nói trên là khoảng 60 độ. Tuy vậy trong thực dụng hàng ngày, ít có ai lưu tâm (hoặc có điều kiện) để làm được điều này.
Điểm thứ hai cần nói đến là sự méo tiếng. Một cặp loa đặt sai vị trí sẽ tạo ra độ méo không gian . Sự méo tiếng này do cộng hưởng phòng và các vật liệu âm học xung quanh loa tạo nên, kết quả thường thấy là âm trường không tốt, không rộng rãi, tù túng và giọng hát cứ xả chan chát vào mặt trong khi bass, tép thì chạy tứ tung trong phòng. Một điều đáng nói nữa là là đa số người dùng không quá coi trọng đến khả năng tách kênh, trong khi đây là một tính chất có thể nói là quan trọng nhất để đánh giá độ trung thực của âm thanh. Định nghĩa về Stereo bao hàm luôn cả sự chi tiết và tách biệt giữa hai kênh trái và phải để tạo ra. Và với các dạng tai nghe hoặc dàn âm thanh kết nối theo dạng stereo thì bạn có thể cảm nhận rõ được âm thanh giữa 2 bên loa phát ra là khác nhau, và có cảm giác như âm thanh đang chạy từ phía bên cột loa này qua cột loa bên kia. Đặc biệt ở những dàn nhạc hoặc bài hát có tiếng trống, âm thanh từ những lá cymbal bạn nghe sẽ thể hiện rõ nhất hiệu ứng này. Người nghe nhạc thường xuyên, có kinh nghiệm sẽ rất dễ nhận ra là âm thanh họ đang nghe là stereo hay mono. Và đương nhiên khi nghe âm thanh stereo với nhiều loại nhạc cụ trong bản nhạc hiệu ứng âm thanh chắc chắn nghe hay hơn rất nhiều so với nghe bản nhạc đó với định dạng mono. Người nghe hiện nay đang bị ngập chìm trong hàng tá sản phẩm với “mác” stereo như loa để bàn (portable speaker), loa bluetooth, smartphone... Về phần lý thuyết, chúng thực sự là stereo với 2 kênh âm thanh riêng biệt. Tuy nhiên về chất lượng thì khó có thể nói được chính xác. Vì một chiếc loa portable bé xíu với khoảng cách 2 cái loa sát rạt nhau hay một bộ loa vi tính cách xa nhau một khoảng chừng 0.5-1m cũng không thể tạo ra âm trường, vị trí ngồi nghe cũng thay đổi một cách ngẫu hứng nên không thể cho ra âm hình hay sân khấu cho rộng lớn. Âu cũng thuộc về điều kiện riêng của mỗi người và mức độ hài lòng của người dùng.
Thế còn với tai nghe thì sao? Câu trả lời là cả có và không. Có vì nó vẫn là stereo. Không vì chất lượng stereo của nó quá thấp. Về mặt thực nghiệm, tai nghe không hẳn là stereo mà nó nghiêng hơn về binaural (dạng như một sóng âm truyền cùng lúc vào hai tai). Tai nghe là thiết bị chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Spatial Distortion vì mỗi bên tai là một nguồn âm khác nhau, tạo ra một “âm trường giả”. Nhiều trường hợp còn không xác định được âm trường, nhất là đối với các loại tai nghe rẻ tiền kém chất lượng. Smartphone và tai nghe kém chất lượng cũng là một thủ phạm, tuy nhiên khó có thể trách được khi nó là một phương pháp dễ dàng nhất để tiếp cận với âm nhạc, nhất là cho người dùng có mức chi tiêu không quá rộng rãi.
Hiện nay vẫn còn quá ít người quan tâm đến chất lượng thực sự của stereo, đa số chỉ thực thi phương châm “xách tai nghe lên và đi” là được, không kể chất lượng âm thanh nó mang lại ra sao. Tuy vậy chúng ta vẫn có thể hy vọng trong tương lai khi các rào cản không còn là vấn đề nữa, âm thanh Stereo sẽ trở lại với giá trị đích thực của nó.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)